Nếu miền Bắc có truyền thống về món phở, miền Nam gắn liền với món hủ tiếu thì khi nhắc đến miền Trung, cụ thể hơn là Phố cổ Hội An, ta không thể không nhớ đến mùi vị đậm đà của món ăn đã gắn liền với mảnh đất này qua nhiều năm tháng – Cao lầu.
Sự ra đời của cái tên – Cao Lầu
Xuất xứ từ phố cổ Hội An, cái tên “Cao lầu” phảng phất nét cổ kính và tao nhã ở nơi đây. Biết bao nhiêu du khách khi thưởng thức tinh hoa ẩm thực này cũng đều thắc mắc đâu là nguồn gốc của cái tên “lạ tai” đó. Cao lầu không phải có xuất xứ từ đất Hoa, cũng chẳng phải do bàn tay khéo léo của người Nhật. Có thể nói đây là món ăn kết tinh của nhiều dân tộc, tên gọi của nó nghe hao hao giống tiếng Hoa, chỉ những món “cao lương mĩ vị”.
Để giải thích cho cái tên đó, ta phải hình dùng đến khung cảnh sinh hoạt của phố Hội ngày xưa. Vào giao đoạn đó, những ngời doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên khi đi đến các tiệm ăn ở Hội An, họ thường leo lên các lầu cao của quán. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức những món “cao lương mĩ vị”, có lẽ đây chính là xuất phát của cái tên “Cao lầu”.
Nét đặc trưng của những quán Cao Lầu
Cao lầu không phải là một món bún, cũng chẳng giống món phở chút nào. Món ăn này được xem là một món trộn, chỉ xuất hiện ở Hội An, Đà Nẵng và Huế.
Ở phố Hội, Cao lầu thường được bày bán trong các quán ăn 2 tầng, trên có treo đèn lồng xanh đỏ. Thực khách ngồi ăn, vừa thưởng thức cái thơm đậm đà tinh tế của món ăn đất cổ, vừa có dịp thưởng ngoạn cái không khí du lịch cổ kính của một góc phố nơi đây.
Cao Lầu với những sợi mỳ vàng ươm
Đà Nẵng cũng được kế thừa cái hương vị độc đáo đó, nhưng khác với cao lầu ở phố cổ mang những dư vị cổ kính, cao lầu ở Đà Nẵng phảng phất những tinh túy, những hơi thở cổ xưa giữa lòng thành phố tập nập, xô bồ.
Sự cầu kì trong cách chế biến
Không chỉ bởi cái tên độc đáo, Cao lầu còn đặc biệt bởi công thức chế biến của nó. Vì được xem là món “cao lương mĩ vị” của phố Cổ nên quy trình để làm ra sợi cao lầu cũng vô cùng công phu.
- Tỉ mỉ trong công đoạn chế biến mì
Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù Lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh.
Sợi Cao Lầu được những người thợ chăm chút, dành cả tâm huyết vào đó
Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy cho dù sợi mì cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
- Món ăn kèm cũng được lựa chọn cẩn thận
Những sợi cao lầu vàng ươm được ăn kèm cùng giá trụng với nước sôi vừa chín tới. Món ăn càng trở nên bắt mắt với sự điểm tô của những lá rau truyền thống Trà Quế duy chỉ có ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xá xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt.
Thịt xíu đậm đà, gia vị thấm đẫm vào từng thớ thịt
Ngoài ra để cho món cao lâu thêm hương vị thơm cũng hơi giống món mì quảng, người ta còn thêm đậu phộng rang giã nhỏ. Nước sốt khi làm xá xíu rưới lên, ai thích ăn đậm đà một chút thì thêm một chút nước mắm. Tùy vào khẩu vị của mỗi người để thêm bớt gia vị khác nhau, duy cái mùi vị độc đáo của cao lầu vẫn không thể nào mất đi được.
Mùi hương của thịt đặc trưng từ loại thịt heo cỏ, săn chắc và nồng vị ngũ vị hương ướp thấm tháp, kết hợp với cảm giác sựt sựt của sợi mì cùng với tép mỡ vỡ tan trong miệng,… đủ các mùi vị chua, cay, đắng, chát hòa quyện nơi đầu lưỡi đã để lại cho du khách trong và ngoài nước những trải nghiệm ẩm thực khó có thể nào quên được.
Cao Lầu nhẹ nhàng, lặng lẽ mà đi vào lòng người
Cao Lầu và những cuộc du ngoạn
Chính vì hương vị đặc biệt đó, cao lầu Hội An đã làm những cuộc viễn du đến các vùng đất xa lại ở Pháp, Anh, Úc, gần hơn là Sài Gòn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Tô Cao lầu đầy đặn đầy màu sắc bắt mắt đã trở thành linh hồn ẩm thực không thể thiếu của người dân nơi đây. Tất cả sự tinh tế của từng nguyên liệu từ sợi bánh, miếng thịt ăn kèm hay mùi vị mát nhẹ của rau sống, cái giòn rụm của tép mỡ hay những hạt đậu phộng rang béo được rải đều trên những sợi mì vàng ươm,… hòa quyện vào nhau tạo nên một tổng thể hương vị giản dị những hòa hợp khiến thực khách vừa ăn xong vẫn muốn ăn nữa…
Cao Lầu với những biến tấu cầu kỳ
- Dù ở đâu , Cao Lầu vẫn chỉ là chính mình giữa Phố Hội cổ kính
Trải qua nhiều cuộc du ngoạn đến thế, muốn thưởng thức một tô cao lầu đúng nghĩa phải nhắc đến phố cổ Hội An. Ngày nay, tuỳ vào từng nơi mà món ăn cao lầu được biến tấu theo những cách khác nhau, có nơi còn ăn kèm với nước súp nấu từ xương gà, ăn kèm với bánh tráng… Hương vị của cao lầu vì thế cũng ít vẹn nguyên như ban đầu. Có người còn nói, muốn thưởng thức một tô cao lầu đúng điệu phải đến Hội An, cảm nhận được hương vị độc đáo từ nước giếng Bá Lễ và tro của Cù Lao Chàm kết hợp với rau sống Trà Quế.. Cao lầu nhờ thế mới đọng lại trong dư âm của thực khách một cách hoàn hảo và tinh tế nhất.
Cao Lầu và Đà Nẵng
Đà Nẵng không mang lại được bầu không khí cổ kính như phố Hội, nhưng cảm giác được bưng bê trong lòng bàn tay một tô cao lầu ấm nóng, thưởng thức cái hương vị đậm đà giữa những con đường, những tuyến phố đông đúc bóng người qua lại, ta như đứng giữa lòng phố cổ, cảm nhận cái nhộn nhịp của những thương nhân buôn bán qua lại tấp nập vội vã để thong thả nhâm nhi những sợi cao lầu dai ngon. Thế mới hiểu tại sao người dân Đà Nẵng lại “chung thủy” với món cao lầu đến thế. Nó từ lâu đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong ẩm thực của người dân Đà Nẵng.
Dạo một vòng quanh thành phố, ta có thể dễ dàng bắt gặp những cửa tiệm cao lầu tuy nhỏ nhưng thu hút rất nhiều thực khách bởi mùi hương dịu nhẹ của sợi mì, của nước sốt,.. mà khó ai có thể cưỡng lại được.
Để thưởng thức món cao lầu “chính hiệu” ở Đà Nẵng, mình gợi ý một số địa điểm khá hữu ích để du khách có thể ghé thăm:
1.Cao lầu Lý
Cao Lầu nơi đây vẫn ngày đêm làm mê mẫn lòng người
Đây là một trong những quán cao lầu lâu đời nhất tại Đà Nẵng, quán tuy nhỏ nhưng rất sạch sẽ, dễ tìm. Cao lầu ở đây có nước dùng rất đậm đà, sợi mì mềm, dễ ăn. Đặc biệt hơn, quán phục vụ theo kiểu gia đình nên không gian quán rất thân thiện và ấm cúng. Vì vậy, rất dễ để hiểu được tại sao quán luôn là điểm đến hàng đầu trong sự lựa chọn của du khách khi muốn thưởng thức ẩm thực ở nơi đây.
Địa chỉ |
|
---|---|
Giờ mở cửa |
|
Giá | 15.000đ – 22.000đ |
2.Cao lầu Hoài Phố – 255 Nguyễn Chí Thanh, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Cao Lầu giữa lòng thành phố
Sợi cao lầu thấm và mềm, thơm mùi nước tương, món ăn được bày biện đẹp đẽ, bắt mắt, rau tươi, được ăn kèm đủ loại kèm theo cả bánh phồng giòn. Vì quán sạch sẽ và phục vụ nhanh nên đã thu hút rất nhiều du khách đến thưởng thức.
Địa chỉ | 255 Nguyễn Chí Thanh, Hải Châu, Đà Nẵng |
---|---|
Giờ mở cửa | 06:00 – 15:00 / 16:30 – 21:00 |
Giá | 25.000đ – 39.000đ |
3.Cao lầu – Đặc sản Hội An
Với không gian thoáng mát, sạch sẽ, nhân viên nhiệt tình, cao lầu ở đây còn mang những hương vị đặc trưng của miền Trung. Sợi mì mềm, dễ ăn, thịt thơm ngon, nước dùng đậm đà. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn cảm nhận hương vị của món cao lầu ngay tại Đà Nẵng.
Cao lầu ngon đúng điệu
Địa chỉ | 45/3 Mai Hắc Đế, Sơn Trà, Đà Nẵng |
---|---|
Giờ mở cửa | 06:00 – 14:00 |
Giá | 20.000đ |
4. Quán Hoa
Tô cao lầu đầy đặn, nước dùng đậm đà, lát thịt được ướp thấm tháp. Với màu sắc món ăn bắt mắt, ngon lành, quán ăn đã thu hút rất nhiều du khách đến thử và đa số đều ưng ý với hương vị nơi đây.
Cao lầu ở đây giữ nguyên hương vị truyền thống
Địa chỉ | 185 Lê Thanh Nghị, Hải Châu, Đà Nẵng |
---|---|
Giờ mở cửa | 06:30 – 21:00 |
Giá | 15.000đ – 25.000đ |
Cao Lầu – Tinh hoa ẩm thực đất Quảng
Có rất nhiều sự lựa chọn cho du khách để nếm thử hương vị của cao lầu tại Đà Nẵng. Được nhâm nhi tô cao lầu thấm tháp, lắng nghe tiếng xe cộ qua lại hay tiếng nói chuyện sôi nổi của người dân nơi đây đã trở thành một “thú vui” thưởng thức ẩm thực riêng của người dân ở mảnh đất Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thưởng thức món ăn cao lầu một cách đúng vị nhất, tinh tế nhất, còn chần chừ gì nữa mà không bắt ngay một chuyến xe đến phố cổ Hội An, gọi một tô cao lầu với đầy đủ nguyên liệu. Khi đó, bạn sẽ hiểu tại sao món cao lầu lại được mọi người khen ngợi nhiều đến thế!
Cao lầu đã góp phần làm đa dạng màu sắc văn hóa ẩm thực của Đà Nẵng. Thành phố ngày càng phát triển, các món ăn lạ mắt, hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, du khách nói chung và con người Đà Nẵng nói riêng vẫn ấn tượng và gắn bó sâu sắc với món ăn mang đậm dư vị truyền thống này. Hi vọng Đà Nẵng sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh ẩm thực đến với nhiều nơi hơn nữa để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước thích thú tìm hiểu hơn về văn hóa ẩm thực miền Trung!