Làng bánh khô mè Cẩm Lệ Đà Nẵng là một trong những điểm tham quan du lịch Đà Nẵng rất được du khách mong đợi ghé thăm mỗi khi có dịp đến Đà Nẵng.
Xuất Xứ Của Làng Bánh Khô Mè Cẩm Lệ
Cơ sở sản xuất bánh tráng khô mẹ cẩm lệ Đà Nẵng
Làng Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Bánh khô là đặc sản của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả. Làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ có khoảng 20 hộ dân chuyên làm bánh, có hộ có vài cơ sở sản xuất khác nhau và nhiều hộ có các đại lý ở các quận huyện khác trong thành phố, là nơi cung cấp bánh đi nhiều nơi. Bánh khô mè Cẩm Lệ Đà Nẵng nổi tiếng bởi được làm thủ công
Nguyên Liệu Làm Bánh Khô Mè
Nguyên liệu làm bánh khô mè
Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là gạo nếp thơm loại ngon, gạo được giã chứ không xay, và nướng bếp than nên bánh luôn có hương vị rất đặc trưng. Điều đặc biệt của bánh khô mè là dù nguyên liệu đơn giản, song cách làm khéo léo, được bọc lớp mè rất đều và qua 7 lần nướng, đã khiến bánh giòn tan, thơm ngon đến lạ lùng. Điểm thú vị nữa của bánh mè là tuy lớp mè bọc bên ngoài như nhau nhưng khi thử bánh đến lớp bên trong, thực khách như chạm tới cái tinh túy nhất của bánh. Sự tinh túy ấy khiến người thưởng thức có thể nhận diện được nhiều điều, bởi nguyên liệu không chỉ có gạo mà đôi khi còn thay thế bằng bột sắn, gạo nếp thường,…Tùy vào gia cảnh hay có khi là sở thích, người làm bánh có thể lựa chọn nguyên liệu chính theo ý mình, không buộc phải tuân thủ một khuôn mẫu bắt buộc nào.
Công Đoạn Làm Bánh Khô Mè
Để làm được một chiếc bánh khô mè phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước đây, bánh khô mè còn có tên gọi là bánh bảy lửa khâu chế biến phải trải qua ngọn lửa 7 lần, còn ngày nay công đoạn đã được cải tiến đơn giản hơn.
Làm bánh khô mè trải qua nhiều công đoạn
Đầu tiên là công đoạn hấp và nướng bánh: Đổ bột vào khuôn bánh tạo thành từng lát bánh mỏng. Khuôn bánh được đóng sẵn, rồi đem hấp cách thủy khoảng 5 phút là bánh chín. Bánh đã được hấp chín, chuyển qua công đoạn nướng. Cái độc đáo, cái “hồn” của bánh khô mè chính là ở khâu nướng này. Bánh được nướng qua hai lần lửa. Lần thứ nhất, lửa than có độ nóng lớn, nướng khoảng 10 phút, phải trở bánh thường xuyên để khô đều hai mặt. Lần thứ hai, lửa than có độ nóng vừa, nướng khoảng 10 đến 15 phút, cho bánh có độ giòn xốp. Đây là khâu quan trọng, đòi hỏi người thợ phải căn đúng thời gian để trở bánh và chuyển bánh từ nhiệt độ lửa lớn sang nhiệt độ lửa vừa thì lát bánh khô mè mới khô đều, giòn xốp được. Nếu để quá thời gian bánh sẽ cháy và cứng không ngon.
Sản xuất bánh khô mè
Công đoạn tiếp theo là thắng nước đường và rang mè: Bí quyết để có những chiếc bánh ngon phụ thuộc vào kỹ thuật thắng nước đường. Đường thắng không tới, bánh sẽ không dính mè, để già lửa quá thì bánh sẽ cứng, đắng, sẫm, không có tơ. Mè phải là mè trắng, hạt tròn mẩy, phải rang mè độ vừa chín, có mùi thơm, nhưng vẫn giữ được màu trắng ngà và không được cháy.
Những chiếc bánh khô mè đang dần được hoàn thiện
Công đoạn thứ ba là tẩm đường và tẩm mè cho bánh: Nước đường đã nấu được đặt trên bếp than ấm, lấy từng lát bánh đã được sấy khô nhúng vào cho bánh thấm đều nước đường, rồi nhanh tay lăn qua mâm mè để ngay bên cạnh cho mè phủ đều. Công đoạn tẩm đường và tẩm mè cho bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo và nhẹ nhàng để cho đường và mè hòa quyện với nhau tạo ra được những chiếc bánh thơm giòn. Một đặc điểm khá đặc biệt của bánh khô mè Cẩm Lệ là bánh chỉ giữ được hương vị nguyên sơ khi làm bằng thủ công. Ngày nay, một số công đoạn như giã gạo thay bằng xay, hấp bột bằng củi thay bằng ga nhưng các công đoạn sấy bánh phải hoàn toàn dùng bằng than hoa, nếu thay bằng sấy điện, sấy bằng than đá hoặc các loại chất đốt khác bánh đều không đạt yêu cầu. Do đó, các cơ sở làm bánh đều phải tuân theo quy trình làm bánh thủ công.
Vẻ đẹp của chiếc bánh khô mè
Một chiếc bánh khô mè đạt yêu cầu phải là chiếc bánh có độ xốp, giòn, có vị ngọt thanh của đường, vị bùi béo của mè và chút cay cay của vị gừng quê và vị thơm nồng của quế Trà My. Khi bẻ đôi chiếc bánh, sẽ nhìn thấy những đường tơ vàng óng ánh do đường kéo ra mà thành.
Bánh khô mè đóng hộp gọn gàng
Công đoạn cuối cùng là đóng gói. Sản phẩm bánh khô mè vừa mới được chế biến xong được chuyển vào công đoạn đóng gói. Mỗi gói khoảng 500g. Bao bì mẫu mã đẹp, rất là bắt mắt, gói bánh vừa tay, miếng bánh vuông nhỏ vừa ăn, bánh có màu sắc hấp dẫn, có màu vàng của mè rang, màu vàng mơ của đường tinh luyện và dậy mùi thơm của gừng. Công đoạn đóng gói yêu cầu cũng phải đảm bảo đúng kỹ thuật, khi bỏ bánh vào túi bóng phải để bánh khô và không còn hơi nóng, phải dập kín miệng bao. Loại bánh này đặc biệt “kỵ” gió, khâu đóng gói và bảo quản không kỹ thì bánh sẽ mềm và chảy nước ngay
Thương Hiệu Bánh Khô Mè Trên Đất Đà Nẵng
Ngày nay, nghề làm bánh khô mè truyền thống vẫn đang được con cháu và người dân Cẩm Lệ tiếp nối với những thương hiệu nổi tiếng. Từ một sản phẩm làng quê, bánh khô mè đã có tên tuổi trên thị trường được đăng ký quyền sở hữu và đã có mặt ở nhiều địa phương, nhiều vùng quê trên cả nước và theo tay Việt kiều làm món quà quê sang xứ người. Bánh khô mè đã trở thành một sản phẩm đẹp góp phần làm đa dạng nét ẩm thực dân gian tinh tế mà sâu sắc của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng và hơn thế những chiếc bánh nhỏ ấy còn giữ lửa cho một làng nghề mãi mãi lưu truyền. Đến bây giờ bánh khô mè Cẩm Lệ đã nổi tiếng khắp nơi, đặc biệt bánh khô mè được bày bán khắp các cửa hàng bánh kẹo trong thành phố Đà Nẵng.
Bánh khô mè đặc sản Đà Nẵng
Đến tham quan du lịch Đà Nẵng, ghé đến Cẩm Bắc, thử những chiếc bánh mè ở chính Làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ và nhâm nhi một chút nước trà xanh, có lẽ bất cứ du khách nào cũng thỏa lòng khi khám phá cảm nhận được cái hồn quê chân chất. Những món bánh giản dị như bánh khô mè Cẩm Lệ không chỉ làm thêm đậm cái tình của con người với quê hương, mà còn làm cho người ta thêm yêu thêm quý những điều giản dị vẫn còn đang tồn tại đâu đó chung quanh mình.